Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 dự kiến có một số điểm mới so với năm 2018 nhằm siết chặt điều kiện tuyển sinh như mở rộng diện áp dụng quy định “điểm sàn” đối với ngành chăm sóc sức khỏe, dừng tuyển sinh đối với các cơ sở đào tạo không đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng… Cũng từ năm 2019, ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường còn bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh.
Quy định “điểm sàn” cho ngành sư phạm và chăm sóc sức khỏe
Năm 2018 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng, còn gọi là “điểm sàn” đại học, cao đẳng, trừ ngành đào tạo sư phạm. Theo dự kiến, từ kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, không chỉ có ngành sư phạm mà cả ngành chăm sóc sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cũng sẽ áp dụng quy định điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng nhiều thí sinh hiểu lầm như năm trước rằng “phải có học lực giỏi mới được đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm”, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý thí sinh hiểu chính xác về điều kiện đăng ký tuyển sinh vào các trường sư phạm. Theo Quy chế 07/2018/TT-BGDĐT về tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, quy định thí sinh xếp loại học lực giỏi năm lớp 12 mới được vào trường sư phạm chỉ áp dụng khi các trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT trong học bạ; còn đối với những trường xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia vẫn phải áp dụng theo đúng mức “điểm sàn” do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Dự kiến năm 2019, điều kiện này cũng sẽ áp dụng cho các trường có đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe. Theo đó, nếu thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các trường có đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe theo phương thức xét tuyển học bạ thì phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, còn nếu đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia thì phải đạt “điểm sàn” theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2019 cũng là năm Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục siết chặt điều kiện tuyển sinh của các trường thông qua việc kiểm tra, giám sát các trường tuân thủ quy định về các điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng đội ngũ… Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho biết: Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo; kiên quyết dừng tuyển sinh đối với những cơ sở vi phạm quy định về tuyển sinh và chưa đạt điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời công khai những cơ sở vi phạm để thí sinh và xã hội nắm rõ. Ngoài ra, trước thời điểm tuyển sinh, các cơ sở phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là công khai mức học phí, tránh tình trạng nâng học phí bất thình lình, gây khó khăn cho người học, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Một quy định bắt buộc đối với các trường từ kỳ tuyển sinh năm 2019 là phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy ra trường có việc làm trong 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Đây không chỉ là “thước đo” giúp thí sinh lựa chọn trường có chất lượng, mà còn là căn cứ để cơ quan quản lý giám sát chất lượng đào tạo.
Bớt lệ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia
Mặc dù còn vài tháng nữa mới đến thời điểm tuyển sinh, song hiện tại nhiều trường đã công bố phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành nghề để thí sinh có thời gian tìm hiểu. Ghi nhận chung trên địa bàn TP Hà Nội, điểm chung của các trường là ngoài phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia như những năm trước, các trường đã bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khác nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn đồng thời tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Nằm trong nhóm trường tốp đầu của Việt Nam – Trường Đại học Ngoại thương năm nay dự kiến tuyển gần 3.900 sinh viên đại học chính quy, trong đó riêng cơ sở tại Hà Nội là gần 2.800 sinh viên. Ngoài 3 phương thức như đã áp dụng từ năm 2018 gồm: Tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi THPT quốc gia; kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi THPT quốc gia, năm nay nhà trường sử dụng thêm phương thức tuyển sinh mới là kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập 3 năm THPT của thí sinh.
Là đơn vị có quy mô tuyển sinh lớn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển gần 5.700 sinh viên, tăng 2,7 lần so với năm trước. Ngoài phương thức tuyển sinh dựa theo điểm thi THPT quốc gia, nhà trường còn áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định riêng của trường với 2 đối tượng: Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” và có tổng điểm thi THPT quốc gia của 3 môn bất kỳ (có môn toán) đạt từ 18,0 điểm trở lên; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và có tổng điểm thi THPT quốc gia của môn toán và 1 môn bất kỳ (trừ tiếng Anh) đạt từ 14,0 điểm trở lên. Theo PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thí sinh có ưu thế về tiếng Anh sẽ có nhiều lựa chọn hơn bởi năm nay trường mở thêm 7 ngành học mới bằng tiếng Anh như: Đầu tư tài chính, công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, kinh doanh số…
Còn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường năm nay lưu ý ngoài điểm thi THPT quốc gia, các em phải có tổng điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp xét tuyển (tính cho 6 học kỳ THPT) từ 20,0 điểm trở lên.
Như vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào đại học năm 2019. Việc sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh không chỉ tăng sự lựa chọn cho thí sinh, tăng nguồn tuyển có chất lượng cho nhà trường mà còn được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho các thí sinh đang sắp bước vào kỳ thi THPT.
Nguồn: