Đại diện bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết những thay đổi nhỏ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ không ảnh hưởng đến đa số học sinh.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ Giáo Dục và Đào Tạo(GD&ĐT) nói: “Nhìn chung, mùa thi và tuyển sinh năm 2019 không có gì khác biệt lớn so với những năm trước”.
“Năm 2017, bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các trường và thí sinh để khẳng định kỳ thi và tuyển sinh từ năm 2017 đến năm 2020 sẽ tương đối ổn định. Do đó, các em thí sinh không nên hoang mang, lo lắng. Các em cần giữ gìn sức khỏe, tích lũy kiến thức thật tốt, bình tĩnh tự tin bước vào kỳ thi và đảm bảo trung thực cho kỳ thi công bằng, khách quan”, bà Kim Phụng chia sẻ.
Vị đại diện bộ GD&ĐT còn cho hay, những thay đổi trong các năm chỉ để khắc phục các bất cập nhỏ và hoàn thiện kỳ thi, không có vấn đề thay đổi lớn.
Cũng theo trình bày, bà Phụng cho biết: “Tuần sau, Bộ sẽ công bố dự thảo sửa đổi quy chế kỳ để lấy ý kiến các bên như nhà trường, học sinh, dư luận xã hội,…Sau đó, các cơ quan thuộc Bộ sẽ chỉnh lý, hoàn thiện và ban hành quy chế này vào tháng 2”.
Cuối tháng 3, các trường sẽ công bố chính thức đề án tuyển sinh của trường mình. Khoảng từ ngày 1 đến 20/4, các em sẽ đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển với cách tương tự như năm ngoái. Sau khi có kết quả thi nếu các em có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp. Lịch xét tuyển của các trường hầu như không có gì thay đổi.
Về môn thi vẫn không có thay đổi, có 5 bài thi gồm 3 môn thi bắt buộc, 2 bài tự chọn là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Thí sinh có thể làm cả 2 bài tự chọn để lấy điểm cao nhất.
Nói về các nội dung mới trong dự thảo sửa đổi quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng trình bày: “Hầu hết các thay đổi năm nay không ảnh hưởng đến đại đa số học sinh THPT. Một, các thí sinh tự do và học sinh giáo dục thường xuyên sẽ ngồi thi cùng với học sinh THPT. Năm trước, các sở GD&ĐT đã bố trí phòng thi riêng. Nhưng năm nay, danh sách thí sinh dự thi được xếp thi cùng phòng, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt các hình thức đào tạo”.
Hai, học sinh giáo dục thường xuyên có bằng Trung cấp nghề nghiệp hoặc chứng chỉ nghề nghiệp sẽ cộng điểm ưu tiên. Căn cứ vào xếp hạng của bằng Trung cấp (chứng chỉ), nếu đạt loại giỏi, xuất sắc, thí sinh được cộng 2 điểm. Với loại khá, trung bình khá được cộng 1,5 điểm và loại trung bình được cộng 1 điểm.
Chia sẻ rõ hơn về thông tin chỉ học sinh giỏi mới được xét tuyển vào ngành y dược, bà Phụng cho biết các em học sinh đang có hiểu lầm.
“Chúng tôi đang nghiên cứu quy chế mới dành cho thí sinh đăng ký các ngành về sức khỏe cần có chứng chỉ hành nghề, như bác sĩ đa khoa, dược sĩ, xét nghiệm viên,… Nếu đăng ký xét tuyển bằng học bạ thì kết quả học lực lớp 12 phải đạt loại giỏi. Bên cạnh đó, thí sinh vẫn có thể đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Và hình thức này không dựa vào học lực theo học bạ”, bà Phụng nói.
Đại diện bộ GD&ĐT cho hay, nội dung mới này chỉ là dự kiến, còn đang lấy góp ý rộng rãi để nghiên cứu thêm. Vị này còn đánh giá, chỉ tiêu xét tuyển từ hình thức điểm thi THPT quốc gia vẫn nhiều hơn chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ. Nên quy chế mới sẽ không ảnh hưởng đến thí sinh khi chỉ tiêu các trường không thay đổi.
Tiến sĩ Kim Phụng lưu ý thêm, tuy thí sinh không bị giới hạn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng sẽ có hạn chế khi làm thủ tục xác nhận nhập học. Khi nộp hồ sơ nhập học sau trúng tuyển, thí sinh phải nộp bản chính của kết quả thi THPT quốc gia. Năm nay, các trường sẽ không chấp nhận bản photo để đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, tránh việc hồ sơ ảo.
“Các thay đổi khác về cách tổ chức thi, chấm bài thi, đề thi ra sao,…không liên quan đến các em. Những điều đó chỉ liên quan đến người tổ chức thi. Những thay đổi để kỳ thi hợp lý hơn, khách quan công bằng, trung thực hơn và đáp ứng yêu cầu của các em tốt hơn. Vì vậy, các em không cần quan tâm đến những điều không liên quan đến mình”, bà Phụng kết luận.
Nguồn: