Cuối năm, nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm tranh thủ thời gian rảnh rỗi của sinh viên là rất lớn. Vì nôn nóng muốn tìm việc làm gấp, không có người quen giới thiệu và mới đi làm lần đầu nên sinh viên hay tìm tới các trung tâm môi giới. Tuy nhiên, khi đến những trung tâm này, sinh viên nếu không cẩn trọng rất dễ rơi vào “bẫy” lừa đảo việc làm đã được giăng sẵn.
Từng là sinh viên và là nạn nhân của những trung tâm mô giới việc làm (TTMGVL) lừa đảo này, tôi muốn gửi gắm vài lưu ý với mong muốn các bạn sinh viên có nhu cầu kiếm việc mùa Tết hãy thận trọng để không bị lừa gạt.
Phương thức phổ biến của các trung tâm môi giới việc làm lừa đảo này thường dùng là mượn danh nghĩa các công ty để tuyển số lượng lớn nhân viên. Thông tin tuyển dụng của các trung tâm thường là “Công ty A đang cần tuyển gấp 20 nhân viên bán hàng trong siêu thị, trực điện thoại, bán mỹ phẩm… liên hệ anh A., chị B., số điện thoại 0903…” trên một số trang tìm việc hoặc tờ rơi, quảng cáo dán trên khắp trụ điện xung quanh các trường đại học. Khi các ứng viên đi phỏng vấn mới biết đó chỉ là trung tâm môi giới, các trung tâm này yêu cầu người lao động mua hồ sơ (thông thường 50 nghìn đồng/bộ), sau đó đặt cọc một khoản tiền 100-300 nghìn đồng và hứa khi chính thức đi làm sẽ hoàn lại. Tuy nhiên, bạn cần “cảnh giác’ với những yêu cầu như thế này. Bởi, những lời mời mọc lương cao, công việc dễ làm, thủ tục đơn giản chỉ là “bánh vẽ” để người lao động móc ví nộp phí dịch vụ. Chẳng có trung tâm nào trả lại tiền đặt cọc và thông thường không giới thiệu được việc làm nào khả thi. Thậm chí, họ còn sử dụng thủ thuật hẹn tìm việc làm cho bạn từ ngày này qua ngày khác cho đến lúc bạn mỏi mòn mà bỏ cuộc.
Ngoài ra, một số trung tâm khác còn tung “chiêu” nói rằng bạn sẽ mất một nửa tiền đặt cọc nếu như qua một tuần hoặc 10 hôm thử việc tại chỗ làm do trung tâm giới thiệu mà nơi ấy không tiếp tục nhận bạn vào làm, bạn phải từ chối ngay. Lý do là không ít trung tâm lừa đảo thường câu kết với các nơi có nhu cầu kiếm nhân lực với thỏa thuận cứ nhận người do trung tâm giới thiệu thử việc nhưng chỉ cho làm thời gian ngắn rồi viện đủ lý do để cho nghỉ việc. Chỉ cần đến hai nơi thử việc kiểu này là bạn đã mất đứt tiền đặt cọc mà cũng không được trả lương trong những ngày thử việc.
Vì vậy, bạn cần phải “cảnh giác” trước những thông tin tuyển dụng không rõ ràng, chỉ chung chung một nội dung là tuyển nhân viên cho bộ phận nào, không yêu cầu trình độ, hoặc công việc nhàn hạ, mức lương cao thì chắc chắn chỉ là mồi câu thôi.
Khi đi xin việc mà gặp phải những công ty có thông tin tuyển dụng không đúng như họ đã đăng tin thì bạn nên rút ngay. Các thông tin từ tên công ty, số điện thoại, địa chỉ luôn cố định, không có chuyện đăng tuyển vị trí này rồi lại bảo hết để chuyển sang vị trí khác. Nhưng nơi bạn đến xin việc mà chỉ chăm chú vào việc thu tiền thì đương nhiên là họ không cần người làm việc rồi, họ chỉ sốt sắng đến khi thu xong tiền là hết. Bạn tuyệt đối đừng bao giờ nộp tiền hay ký vào những giấy tờ mà không có căn cứ pháp luật nào như dấu đỏ của công ty, đặc biệt là các phiếu thu tiền, hợp đồng… những thứ ấy mua bên ngoài lúc nào cũng sẵn có nên ai chẳng làm giả được. Nếu chứng từ có dấu đỏ thì bạn phải được giữ một bản đề làm cơ sở tố cáo sau này nếu họ lừa đảo.
Để tìm được việc làm thêm trong mùa Tết, các bạn sinh viên cũng như người lao động có nhu cầu nên tự đến các cửa hàng, tiệm ăn, hàng quán, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh… để xin việc, bởi như vậy sẽ hiệu quả hơn, không phải qua môi giới. Nếu không thể tự đi kiếm nơi cần lao động, phải nhờ môi giới thì nên tới các TTMGVL của Nhà nước để được hỗ trợ tìm đúng việc.