Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc cho rằng, chúng ta giữ định kiến về việc cứ phải tốt nghiệp cấp 3 mới được học lên cao đẳng lâu quá rồi thành lối mòn.
Tại diễn đàn Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ở kỳ họp thứ 6, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân đề nghị: “Dự luật quy định học sinh Trung học cơ sở không chỉ học lên trung cấp mà có thể lên cao đẳng.
Bộ Lao động đã thí điểm cho học sinh học hết 9 năm lên học cao đẳng, thiết kế tổng thể cả văn hoá và nghề nghiệp. Khi đó, khoảng 18-19 tuổi các em gia nhập thị trường lao động”.
Đến thời điểm này, việc phân luồng học sinh vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Theo Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đề xuất trên của Thứ trưởng Lê Quân là hướng tốt để phân luồng hiệu quả nếu được xem xét đưa vào dự thảo Luật.
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc cho rằng: “Các cơ sở đào tạo nghề phải có trách nhiệm đào tạo cho người học cả trình độ văn hoá và đặc biệt là nghề nghiệp”, Ảnh: Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc cung cấp. |
“Quan điểm của cá nhân tôi với tư cách là người quản lí một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở Việt Nam, tôi thấy đề xuất đó rất thuận lợi cho người dân đồng thời có tính phân luồng rất cao.
Nếu nội dung này được xem xét, tính toán đưa vào dự thảo Luật sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi”, Tiến sĩ Ngọc nhận định.
Theo thầy Ngọc, điểm mấu chốt của đề xuất trên là chúng ta phải hiểu và cần truyền thông để người dân hiểu rằng không phải cứ lớp 9 là lên thẳng cao đẳng.
Các em học xong lớp 9 rồi phân luồng. Theo đó, các em sẽ được vào thẳng các trường cao đẳng để học lĩnh vực nghề nghiệp kèm theo học văn hoá tại các cơ sở giáo dục này.
Khi vào các cơ sở giáo dục nghề thì trách nhiệm của các cơ sở là sẽ phải đào tạo cho những người học có cả kiến thức văn hoá và có cả nghề nghiệp ngay.
Người học phải hiểu đến đó không phải toàn thời gian học văn hoá hết như ở trong trường Trung học phổ thông.
Nếu truyền thông tốt cho người dân hiểu được, họ có thể cho con em mình học ngay cao đẳng, sau khi học cao đẳng xong, các em có thể kiếm việc làm ngay hoặc khởi nghiệp ngay lập tức.
“Em nào có mong muốn học lên trình độ cao hơn như đại học, thạc sĩ…vẫn hoàn toàn được.
Điều các em cần là lựa thời điểm để học tập phù hợp cho bản thân.
Tôi nghĩ đề xuất này có tính phân luồng cao đồng thời có tính kinh tế và hiệu quả trong vấn đề đào tạo. Đó là ưu điểm dễ nhận thấy”, thầy Ngọc nhận xét.
Theo vị Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, chúng ta phải khẳng định rằng, các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm đào tạo cho người học cả trình độ văn hoá và đặc biệt là nghề nghiệp.
Để trong cùng thời gian học tập đấy họ cũng có thể lập thân lập nghiệp một cách nhanh chóng bằng kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp thành thạo được đào taọ tại trường cao đẳng.
Họ sẽ nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động, đồng thời khởi nghiệp cũng như làm giàu cho chính bản thân họ. Đó là một hướng đi rất tốt để giải quyết bài toán phân luồng hiện nay.
Trước một số ý kiến lo lắng rằng liệu học hết lớp 9, các em có đủ kiến thức để theo học cao đẳng, Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc đã có phân tích rất thấu đáo.
“Chúng ta phải thấy rằng trong lĩnh vực nghề nghiệp có hàng nghìn nghề trong xã hội việc làm, trong hàng nghìn nghề đó không phải nghề nào cũng cần kiến thức văn hoá chuyên sâu.
Theo tôi, đề xuất này sẽ đỡ được việc em nào cũng phải vào đại học. Trong khi đó, thực tế các ngành liên quan đến phục vụ và dịch vụ đâu có cần Toán, Lí, Hoá.
Những ngành như điều dưỡng không cần đến kiến thức Toán, Lí, Hoá gì cao siêu. Hay như ngành du lịch, hướng dẫn viên du lịch chỉ cần được tập trung dạy ngoại ngữ và kiến thức về văn hoá dân tộc.
Tôi nghĩ, chúng ta giữ định kiến về việc cứ phải tốt nghiệp cấp 3 mới được học lên cao đẳng lâu quá rồi thành lối mòn”, Tiến sĩ Ngọc nêu quan điểm.
Theo thầy Ngọc, vấn đề ở đây là chúng ta bố trí và đưa các chương trình dạy cho người học thế nào để người học được học thêm văn hoá trong các trường cao đẳng.
Còn ở các lĩnh vực khó như tự động hoá, công nghệ tự động hoá, lĩnh vực 4.0,…nhà trường sẽ có trách nhiệm phân luồng.
Thầy Ngọc nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng học hết lớp 9 thì không học được cao đẳng. Đây là vấn đề nội tại trong các nhà trường và chương trình đào tạo mà Nhà nước quản lí.
Theo tôi, nếu điểm này được đưa vào dự thảo thì sẽ làm thay đổi hoàn toàn chương trình đào tạo cao đẳng.
Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cần có khung trình đào tạo hợp lý, phù hợp như phân tích ở trên”.
Cùng với đó là việc đánh giá, kiểm tra, kiểm định về chất lượng chặt chẽ sẽ giải quyết được yêu cầu về đào tạo văn hóa và dạy nghề trong các trường cao đẳng.
Các trường cao đẳng cũng không thể bỏ qua nội dung đào tạo văn hoá. Vì đó là chính sách để người học có thể liên thông lên cao và học tập suốt đời theo đúng tinh thần mà Đảng đã định hướng và chỉ đạo.
Nguồn: