Hôm nay (8-5) là thời hạn cuối cùng học sinh điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM. Ghi nhận chung từ các trường cho thấy, năm nay số lượng học sinh điều chỉnh nguyện vọng không nhiều.
Công tác hướng nghiệp và phân luồng có nhiều cải tiến giúp người học xác định rõ con đường học tập của bản thân.
Tư vấn kỹ khi đăng ký nguyện vọng
Ghi nhận nhanh từ các trường THCS cho thấy, đến cuối ngày 6-5, có chưa đến 20 học sinh trong tổng số 300 học sinh khối 9 Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) đăng ký điều chỉnh nguyện vọng. Tương tự, tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/6, cho biết trong sĩ số 44 học sinh chỉ có khoảng 7 – 8 em đăng ký thay đổi nguyện vọng với lý do chọn trường khác gần nhà hơn, hoặc do bạn bè rủ rê.
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn Phạm Đăng Khoa giải thích, do các trường đã tập trung tư vấn rất kỹ cho phụ huynh và học sinh trong đợt đăng ký nguyện vọng lần 1 nên số trường hợp học sinh điều chỉnh nguyện vọng không đáng kể. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Phú cũng cho biết, năm nay không xảy ra tình trạng học sinh “tháo chạy” khỏi các trường THPT có tỷ lệ chọi cao như mọi năm. Thay vào đó, nhờ thực hiện tốt công tác tư vấn cho phụ huynh và học sinh ngay từ đầu năm học nên hầu hết học sinh đều giữ nguyên nguyện vọng đã đăng ký.
Thực tế mùa tuyển sinh các năm trước cho thấy, điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 các trường có điểm xét tuyển đầu vào ở tốp đầu không bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ lệ chọi. Biến động điểm chuẩn nếu có chỉ xảy ra ở các trường ở tốp 2, nhưng đây cũng là phân khúc có nhiều trường THPT nên học sinh có nhiều lựa chọn, do đó lực học vẫn là cơ sở quan trọng nhất giúp các em xác định nguyện vọng phù hợp.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay sở quán triệt tinh thần đến phòng GD-ĐT 24 quận, huyện về việc hạn chế tối đa tình trạng học sinh đăng ký nguyện vọng lớp 10 vào các trường có khoảng cách quá xa nhà, tránh việc sau khi trúng tuyển không thể nhập học. Những trường hợp học sinh chọn nguyện vọng là các trường THPT cách xa nơi cư trú đều phải có lý do hợp lý. Đại diện Sở GD-ĐT khẳng định sẽ không giải quyết bất kỳ trường hợp chuyển trường nào giữa năm học vì lý do khoảng cách đi lại.
Đổi mới hướng nghiệp và phân luồng học sinh
Song song với việc tư vấn nguyện vọng, đầu tuần qua, hơn 400 học sinh khối 9 Trường THCS Minh Đức đã tham gia buổi hướng nghiệp với các “nhà tư vấn” là chính phụ huynh. Theo bày tỏ của Tôn Nữ Yến Vy, học sinh lớp 9/5, việc được tư vấn bởi chính những trải nghiệm thực tế của phụ huynh giúp học sinh có cái nhìn cụ thể hơn về các ngành nghề lao động, như yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, mức lương thực tế ở các doanh nghiệp, cơ hội cũng như một số rủi ro nghề nghiệp…
Thầy Huỳnh Quốc Hùng, Khối trưởng giáo viên chủ nhiệm khối 9 Trường THCS Minh Đức, nêu thực tế, thay cho việc lựa chọn một ngành nghề lao động cụ thể nào đó, học sinh hiện nay đã dần ý thức rõ nét hơn về việc xác định nhóm ngành (gồm một số ngành nghề có đặc thù công việc gần giống nhau) phù hợp năng lực và sở thích bản thân, vì nếu không theo được công việc này các em có thể dễ dàng chuyển đổi việc khác với các nhóm kỹ năng tương đương. Việc xác định rõ mục tiêu học tập sẽ giúp học sinh đưa ra lộ trình phấn đấu phù hợp, tránh tình trạng “học vì cha mẹ” hoặc “chọn trường theo tâm lý số đông”.
Tại Trường THCS Lạc Hồng, ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin ngày 11-5 tới nhà trường sẽ tổ chức các chuyến xe cho phụ huynh và học sinh tham quan các trường nghề. Đây cũng là mô hình được nhiều trường THCS trên địa bàn quận Tân Phú áp dụng nhiều năm qua, nhằm giúp học sinh có cái nhìn rõ nét hơn về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.Bà Đặng Hồng Vân, chuyên viên tư vấn doanh nghiệp Tổ chức Lao động quốc tế, cho biết: “Khoảng 5-10 năm tới, thị trường lao động sẽ xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới như kỹ sư thiết kế công trình ngầm, nhân viên thiết kế in 3D, bác sĩ nội tạng…
Trong khi đó, nhiều nghề mang tính chất phổ thông hiện nay như kế toán, nhân viên văn phòng sẽ dần được thay thế bằng máy móc, công nghệ. Thực tế đó đòi hỏi người học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phải có cái nhìn và định hướng xa hơn chứ không đơn thuần chỉ học để có bằng cấp như trước đây”.
Nguồn: