TP – Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục FPT, điều chỉnh “đáng giá” nhất đối với kỳ thi THPT quốc gia 2019, đó là không để các Sở GD&ĐT chấm thi bài của học sinh tỉnh nhà. Địa phương luôn có mong muốn con em mình đạt điểm cao để vào trường ĐH tốt. Trong khi lợi ích của các trường ĐH là tuyển sinh được học sinh giỏi, nên họ sẽ chấm thi chính xác. Bởi vậy, thay đổi quan trọng này sẽ “triệt tiêu” được mâu thuẫn lợi ích.
5 điểm mới
Ngày 4/12, Bộ GD&ĐT có thông báo gửi các cơ sở giáo dục về kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong đó, khẳng định Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT quốc gia 2018, đơn vị sẽ thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập. Cụ thể là có 5 điểm mới liên quan đến đề thi, coi thi, chấm thi, tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét tốt nghiệp THPT và lắp camera giám sát quá trình .
Về đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết, nội dung đề thay vì chỉ thi kiến thức lớp 11 và 12 như năm trước, năm nay đề sẽ nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, sẽ sớm công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 để giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi, tuy nhiên không thông tin cụ thể vào thời gian nào.
Điểm khác kỳ thi THPT năm trước là năm nay, Bộ điều động cán bộ, giảng viên các ĐH, học viện…đến các Hội đồng thi tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Bộ cũng quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do. Sẽ có hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật, trong đó khẳng định việc sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.
Một điểm mới nữa là việc chấm bài thi trắc nghiệm sẽ do Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì thay cho các địa phương chủ trì như trước. Đồng thời ngành giáo dục cũng sẽ đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Cụ thể là, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm. Đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh thay vì những năm trước phiếu trả lời trắc nghiệm không được đánh phách.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, năm nay, sau khi thi và chấm thi, đơn vị sẽ công bố kết quả thi công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi.
Tăng tính tự chủ của các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể: các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.
Sở GD&ÐT không chấm thí sinh thi tỉnh nhà
- Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống giáo dục FPT cho rằng, tỷ lệ lấy kết quả học bạ vào xét tốt nghiệp THPT đã giảm từ 50% xuống còn 30% cũng chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Những năm trước, TS. Tùng cho rằng điểm học bạ chính là phao cứu sinh cho thí sinh để xét tốt nghiệp. Năm nay giảm xuống, các sở lại làm cái phao đó lớn hơn thì sao? Tức là thay vì nâng ít điểm thì sẽ nâng nhiều điểm hơn, và như thế, sẽ không có gì thay đổi kết quả xét tốt nghiệp. “Tôi cho rằng, điều chỉnh tỷ lệ như này có ảnh hưởng nhưng không hy vọng ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh. Thậm chí, với tỷ trọng này, tỷ lệ lệ tốt nghiệp năm 2019 vẫn tương đương 2018, vẫn trên 90%. Nếu bỏ hẳn điểm học bạ thì mới có sự thay đổi lớn. Còn chỉ điều chỉnh tỷ lệ một chút thì không ăn thua” – TS. Lê Trường Tùng nói.
Mặt khác, theo TS. Lê Trường Tùng, điều chỉnh căn cơ nhất của Bộ đối với kỳ thi THPT quốc gia 2019 đó là không để các Sở GD&ĐT chấm thi bài của học sinh tỉnh nhà. Những năm qua, chính quy định để cho các Sở GD&ĐT chấm bài cho con em địa phương mình nên mới xảy ra mâu thuẫn lợi ích. Địa phương có mong muốn con em mình điểm cao để vào được trường ĐH tốt, rồi các mối quan hệ quen biết nên tiêu cực có đất sinh sôi nảy nở.
Năm nay, thay đổi quan trọng này sẽ “triệt tiêu” được mâu thuẫn lợi ích này. Vì lợi ích của các trường ĐH là tuyển sinh được học sinh giỏi vào trường, nên chấm thi sẽ chính xác. Đây là điều chỉnh kỹ thuật căn bản nhất. Còn những thay đổi nho nhỏ như phách điện tử… chỉ là giải pháp mang tính phụ trợ thêm. Còn để các Sở GD&ĐT làm chủ tịch Hội đồng thi cũng không có nhiều lo lắng. Vì thi trắc nghiệm, số lượng câu hỏi nhiều, mỗi thí sinh lại một mã đề. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định vẫn phải tăng cường hơn khâu giám sát của các trường ĐH. Mấy năm vừa qua, khâu coi thi có thể nói cơ bản yên tâm.
Tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp
Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Nguồn: //www.tienphong.vn/giao-duc/dieu-chinh-dang-gia-nhat-doi-voi-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-1352817.tpo