“Tiền lệ quốc tế theo tôi quan sát là không có”, Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc nói về đề xuất cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Tại phiên họp thứ 31 của Thường vụ Quốc hội diễn ra từ 21 – 22/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Một trong những đề xuất được quan tâm tại dự thảo là sẽ có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh.
Cụ thể, Điều 32 dự thảo Luật quy định: Học sinh học hết chương trình Trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc cho rằng, đề xuất có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông là không hợp lý.
Theo ban soạn thảo, quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành vì không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đã học xong chương trình trung học phổ thông nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp; chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đề xuất có loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông là không hợp lý.
Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhấn mạnh: “Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng đề xuất này không hợp lý”.
Thầy Đồng Văn Ngọc phân tích, lý do thứ nhất là qua quá trình nghiên cứu, tham khảo rất nhiều hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới thì Tiến sĩ chưa thấy một quốc gia nào có loại giấy này.
Trong khi đó, Việt Nam chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tiến tới công nhận bằng cấp, văn bằng chứng chỉ của nhau, đặc biệt ở khu vực các nước ASEAN.
“Giấy chứng nhận này liệu rằng quốc tế có công nhận? Hay mình tự công bố là Việt Nam có giấy chứng nhận đó nên đề nghị quốc tế công nhận?
Cùng với đó, nếu các em nếu muốn di cư lao động, xuất khẩu lao động hay du học thì mang giấy đó ra chắc gì đã được công nhận” thầy Ngọc băn khoăn.
Vị Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nêu thực tế: “Tiền lệ quốc tế theo tôi quan sát là không có.
Chúng ta đề xuất có thêm loại giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là chúng ta có thêm một cái giấy riêng, giấy con.
Thực tế là không cần thiết”. Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc phân tích, học sinh muốn tốt nghệp Trung học phổ thông thì trách nhiệm là các em phải tham gia kì thi tốt nghiệp.
Còn muốn công nhận kết quả học tập thì nó thể hiện bằng bảng điểm, học bạ mà chúng ta đã và đang làm trong rất nhiều năm qua. “Nhìn vào học bạ biết ngay em này học từ lớp 1 đến lớp 12 thế nào.
Đấy là một hồ sơ rồi tại sao lại còn phải xác nhận là em này hoàn thành chương trình phổ thông?
Vậy học bạ, bảng điểm của các em chúng ta coi nó là gì?
Theo tôi, học bạ và bảng điểm phổ thông đã là chứng nhận rồi.
Đó cũng là xác nhận của hiệu trưởng rồi. Bây giờ chúng ta lại làm một giấy phép con nữa có cần thiết?”, thầy Đồng Văn Ngọc đặt câu hỏi.
Thầy Ngọc nhấn mạnh lại, quan trọng nữa là chúng ta phải nhìn nhận thực tế là không thấy nước nào làm.
Chúng ta đưa ra loại giấy đó thì liệu quốc tế công nhận hay không?
Và sau này các em có du học ở các nước thì liệu cái giấy đó có đủ điều kiện để em du học?
“Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, nó là không cần thiết. Học xong cấp 3 các em thi tốt nghiêp Trung học phổ thông.
Em nào không đạt thì vẫn có bảng điểm, học bạ là minh chứng cho việc hoàn thành chương trình cấp 3 rồi.
Điều này cũng là để đỡ rườm rà trong hồ sơ, sổ sách.
Đặc biệt bây giờ Việt Nam đã hội thập quốc tế ngày càng sâu rộng thì cũng cố gắng nghiên cứu, học tập từ các nước để các văn bằng chứng chỉ, chứng nhận của Việt Nam phù hợp, có tính tương tự để nó giống với các chứng chỉ công nhận của quốc tế.
Tiến tới việc công nhận bằng cấp lẫn nhau, thuận tiện cho người dân”, thầy Đồng Văn Ngọc nêu quan điểm.
Nguồn