Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình vừa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành ngày 26-12.Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đã được Bộ GD-ĐT xây dựng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi của tầng lớp nhân dân; được gửi xin ý kiến các sở GD-ĐT, các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, trong đó có các thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực…
Không còn nặng về kiến thức
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Nội dung giáo dục ở cấp tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (tiếng Việt; toán; đạo đức; ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); lịch sử và địa lí (ở lớp 4, lớp 5); khoa học (ở lớp 4, lớp 5); tin học và công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm) và 2 môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).
Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục công dân; lịch sử và địa lí; khoa học tự nhiên; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2).
Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lí, hoá học, sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).
Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết học 45 phút (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày).
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, mục tiêu đổi mới lần này là chuyển từ kiến thức giáo dục nặng nề về sang phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Cụ thể hơn, nếu trước đây học sinh chỉ học thiên về kiến thức, học xong sẽ biết gì, thì với chương trình mới, học sinh được nâng cao năng lực phẩm chất, học xong sẽ làm được gì.
Theo GS Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới là xác định phẩm chất năng lực học sinh. Theo đó, xác định học sinh Việt Nam có 5 phẩm chất chủ yếu, gồm: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Từ những phẩm chất này của các em sẽ triển khai áp dụng chương trình giảng dạy phù hợp.
Ngoài ra, cũng theo GS Thuyết, chương trình mới dựa trên cơ sở tham khảo của chương trình giáo dục nước ngoài. Theo đó, các trường phổ thông phải phát hiện năng lực cốt lõi (năng khiếu) của các học sinh và năng lực chung (tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) để có chương trình giảng dạy hợp lý.
Còn nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, tại họp báo, nhiều ý kiến lo lắng cho sự quá tải của giáo viên khi tăng số tiết, số môn dạy và việc viết sách giáo khoa cho chương trình mới không kịp với lộ trình thực hiện trong năm 2020…
Lý giải về việc tại sao học sinh cấp tiểu học phải học 2 buổi/ngày theo chương trình mới, GS Thuyết cho rằng, việc này thuận tiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở trường; góp phần quản lý giáo dục, quản lý trẻ em đang ở tuổi rất hiếu động.
“Hiện nay, theo báo cáo của UNESCO, học sinh các nước đang học 7.500 giờ, còn chương trình giáo dục phổ thông của ta mới có 5.000 giờ (thiếu gần 2.000 giờ so với thế giới). Do vậy, chúng ta phải tổ chức dạy đủ giờ cho các em, như thế các em mới có thời gian học hành, vui chơi, tránh thời gian học sinh học nhiều kiến thức trong thời gian ngắn, gây quá tải cho học sinh” – GS Thuyết nói.
Để thực hiện chương trình mới này, Bộ GD-ĐT có giải pháp chuyển tiếp, trong trường hợp các trường không giải quyết được 2 buổi/ngày (ví như vùng khó khăn, miền núi, hải đảo), thì sẽ học 6 buổi/tuần.
GS Thuyết cũng cho biết, ở cấp tiểu học có điểm mới là học sinh sẽ phải học các môn tin học, công nghệ, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm. Đây là những môn bắt buộc để học sinh chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở chương trình cấp THCS, học sinh sẽ học khoảng 54 tiết (nhờ tích hợp). Môn khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn lịch sử và địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.
Chương trình THPT, học sinh sẽ học từ 262 đến 315 tiết (nhờ phân hóa). Đặc biệt, trong nội dung giáo dục của cấp THPT có môn âm nhạc, mỹ thuật (giúp học sinh có định hướng với nghệ thuật, thi vào các trường nghệ thuật) và giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là môn lựa chọn chứ không bắt buộc.
Trong trường hợp các trường còn khó khăn thì chưa cần áp dụng ngay, nếu trường nào đã đủ điều kiện thì có thể triển khai theo chương trình mới.
Bộ GD-ĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Nguồn: